Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Diện mạo hiện tại của kiến trúc ở Việt Nam như thế nào

Ngoài những đô thị cổ nổi tiếng là Thăng Long, Phố Hiến và Hội An, hầu hết các đô thị ở nước ta khởi đầu từ thế kỷ 19, định hình ở thế kỷ 20, hiện nay Việt Nam đã có gần 800 đô thị lớn, nhỏ, trong đó có hai đô thị lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Qua thời gian, các khu đô thị ngày càng trở nên hiện đại.

Hà Nội cách đây hơn 20 năm chỉ có khoảng hai triệu người. Khi đó Thủ đô còn là một tổng thể hài hòa với hệ thống hồ ao, mặt nước đan xen; các làng hoa, làng nghề truyền thống, khu vực trung tâm lác đác nhà cao tầng. Cấu trúc khu phố cổ, khu phố Pháp còn tương đối nguyên vẹn, chưa hề xuất hiện những khu đô thị mới, nạn kiến trúc "nhại" cổ, "nhại" Pháp...

Phố cổ nay đã không còn nét thanh tịnh cổ xưa. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Giờ đây, diện mạo Thủ đô đã thay đổi rất nhiều, nhất là sự lộn xộn trong khu phố cổ. Do sự quá tải về mật độ dân số, sự thay đổi của nhu cầu cuộc sống hiện đại dẫn đến kiến trúc không gian nhiều nơi bị phá vỡ. Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng, một phần do người dân tự ý cải tạo, nâng cấp, thậm chí ngang nhiên phá bỏ để xây dựng nhà ống bằng bê-tông cốt thép. Nhiều nhà mặt đường và trong ngõ cao đến bảy, tám tầng; bên cạnh những nhà cũ được gia cố, cơi nới muôn hình vạn trạng, nhan nhản ba-lô, chuồng cọp treo lơ lửng ngay mặt phố.

Trong khi tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt thì công cuộc bảo tồn và tôn tạo di tích lại rất chậm chạp. Thêm vào đó là hệ lụy từ quá trình xây dựng và phát triển giao thông, đô thị. Thiết kế đô thị tại hầu hết các tuyến đường mới mở ở Hà Nội bao giờ cũng đi sau mở đường dẫn đến tình trạng xây dựng lộn xộn không ngăn chặn được; nhà siêu mỏng, siêu méo tràn lan và liên tục "tái xuất". Không chỉ các khu tập thể, khu đô thị cũ đã già nua, chật chội mà các làng mới lên "phường" có đường sá chật hẹp, hạ tầng kỹ thuật yếu kém, điều kiện sống thấp, tiếp tục tạo nên những gánh nặng cho đô thị. Thêm vào đó, sự xuất hiện các khu đô thị mới, chung cư cao cấp, bên cạnh những yếu tố tích cực vẫn còn nhiều điều bất ổn. Ðó là tính tự phát trong kiến trúc, không có sự gắn kết tổng thể.

Các khu đô thị tại Việt Nam hiện nay đều không có bản sắc riêng mà sử dụng lối kiến trúc sao chép, nhang nhác giống nhau, không có nhịp điệu ăn khớp của các công trình nhà cao tầng trong cùng một dự án hoặc đan xen không hài hòa về thẩm mỹ với các dự án chung quanh; mật độ xây dựng cao và hệ số sử dụng đất quá lớn dẫn đến thiếu không gian mở, không gian công cộng cho quảng trường, công viên, cây xanh, mặt nước và các công trình hạ tầng, xã hội...
House For Trees - Công trình nhà bê-tông cốp-pha của KTS Võ Trọng Nghĩa từng đoạt giải kiến trúc tại Anh 2014.

Phai nhạt làng quê truyền thống

Làng quê của Hà Nội, nhất là khu vực ven đô đang chịu sự biến động mạnh mẽ, sâu sắc trong cơn lốc "đô thị hóa". Nhiều ngôi làng nổi tiếng như Ðường Lâm, Cự Ðà, Tây Mỗ, Tả Thanh Oai... rơi vào tình trạng nửa phố nửa quê. Xóm Cầu Bươu đầu làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì đã trở thành xóm dịch vụ với đủ loại hàng quán. Nhiều nhà cao tầng mầu sắc xen lẫn những nếp nhà loang lổ rêu phong. Bên kia sông là làng nghề truyền thống Cự Ðà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, trong khoảng ba năm nay chỉ còn hơn nửa số nhà cổ, những ngôi nhà trên dưới 300 năm tuổi lần lượt bị xóa sổ. Nhiều ngôi nhà với kiến trúc Pháp độc đáo xuống cấp nặng nề nhưng người dân không có tiền tu sửa, một phần do một số gia đình làm ăn buôn bán phát đạt tự đập đi xây mới cho thời thượng. Còn làng Mơ (còn gọi là Kẻ Mơ) với sản vật đặc trưng của Hoàng Mai và kinh thành Thăng Long là rượu mơ, rượu cúc nay trở thành phường, mất đi cảnh quan thiên nhiên, cổ xưa; phố không ra phố, làng không ra làng với những con đường cũ nhỏ hẹp, lộn xộn...

Một số nơi vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhà ở nông thôn nhìn chung đang mất dần bản sắc, không phù hợp cảnh quan truyền thống. Nhiều nhà được xây dựng theo hình mẫu nhà ống đô thị những năm 90 của thế kỷ 20, chỉ lấy ánh sáng từ mặt trước nên bị tối, thông gió kém; đồng thời bỏ bớt đi nhiều chức năng như sân vườn, chuồng trại chăn nuôi nên không còn đáp ứng được các tiêu chí về sinh hoạt, ăn ở kết hợp sản xuất nông nghiệp. Loại nhà tại các trục đường làng, đường liên xã xây tự phát, kiến trúc tùy tiện, lộn xộn. Còn dạng nhà ở tại các điểm giãn dân và khu vực trung tâm thị tứ đang xây dựng cho thấy sự cứng nhắc, khô khan trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở việc phân khu kiểu bàn cờ, chia lô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét